Thói thường, con người ta ít khi muốn khơi lại những khoảng khắc yếu đuối, thất bại, bị làm nhục, hay những thời kỳ đen tối của cuộc đời – bất kể người đó là ai. Nhưng không hiểu sao, mỗi lần nhìn những người bạn của mình (những lúc họ thành công, lúc họ tiến bộ hay gặp may mắn), tôi lại hay nhớ về họ vào những lúc tồi tệ nhất của cuộc đời! Bởi – để sống, tồn tại và nghênh ngang đi lại khắp nơi khi no nê, đủ đầy, khỏe khoắn, thành công... thì dễ quá. Khi cuộc sống thuận lợi thì ai chẳng dễ yêu mình và yêu người (cũng như được người yêu lại)! Chính cái cách mà một người vượt qua khó khăn, vượt qua khổ nhục, thất bại lẫn vận rủi để vươn lên, để quyết liệt sống và phấn đấu sống cho tốt – nói lên bản lĩnh Người và phần Người trong Con – Người của người đó. Và đó là lúc tôi đặt chữ “BẠN” bên cạnh tên những người bên cạnh mình. Sống ổn Thành viên của diễn đàn chúng ta – và cả giới tennis phong trào miền bắc – giờ đây chỉ biết đến cái tên Nguyễn Xuân Hiếu dưới những danh hiệu “khủng”: Vô địch Đôi nam Siêu Cúp Vntennis 2 năm liền, Vô địch Giải Đền Đô mở rộng, Vô địch giải Đông Anh Mở rộng, Vô địch đôi nam Siêu cup box Tennis TTVNOL, Vô địch giải Hà Nam mở rộng, Vô địch giải Gia Lai mở rộng... Cái đống Cup mà Hiếu (vẫn được biết đến với cái tên Hiếu Trâu Đất) và bạn đánh đôi cũng là bạn thân Lã Xuân Hậu lấy được khi đứng cùng nhau đã xếp đầy một ngăn tủ lớn. Nếu như Phong Bô Quảng Ninh được đánh giá là kẻ đánh đôi đơn độc lì đòn nhất miền bắc (dùng từ như vậy bởi mỗi giải Phong lại thay một bạn đánh đôi, và ít khi “chung thủy” với riêng một cao thủ nào), thì Hậu Hiếu được coi như đôi Song kiếm Hợp bích gây nhiều tiếng vang nhất (tất nhiên – không phải là Duy Nhất - bởi khi giải Ngân Hà quá nhiều ngôi sao, thì sao cũng sẽ phải có lúc mờ lúc tỏ), Hậu Hiếu không phải cặp đôi “đánh đâu thắng đấy” đến mức tuyệt đối – nhưng tỉ lệ bước lên bục nhất là vượt trội hơn hẳn so với những cặp đôi còn lại (khi mà các cao thủ lang thang chán chê vẫn không tìm được bạn đánh đôi ưng ý, nên phần lớn sống trong cảnh mỗi giải kết hôn với một bồ). Đơn giản là ngoài tennis, người ta còn phải là Bạn. Mà để là Bạn, phải có nhiều thứ tương đồng với nhau, đặc biệt là tính cách, quan điểm, và sự Tôn Trọng. Cả cái mớ loằng ngoằng nói trên chỉ để nhằm một mục đích chỉ ra rằng cuộc sống lẫn vị trí trong làng tennis của Hiếu Trâu Đất hiện tại là rất ổn: một công việc tốt tại một Cty lớn, mức thu nhập ổn định và an toàn, vẫn dạy thêm bóng – và giá dạy bóng được ưu ái trả khá cao, một cô vợ xinh xắn không dùng mỹ phẩm bao giờ mà da vẫn trắng hồng, một nhóc bé gái lúc nào cũng “Ba là Nhất”, một căn hộ chung cư ở HN – cái nơi chốn trú ngụ mà hàng nghìn người ngoại tỉnh với ước ao định cư ở HN cả đời phấn đấu chưa chắc có được! Và Cờ. Và Cúp. Và Phong bì giải thưởng liên tiếp. Ảnh chụp. Hoa đẹp trao tặng. Chẳng nhiều thì ít – có thể dùng hai chữ “màu hồng” để mô tả cuộc đời của “thằng ku” sinh năm 89 này! (Sinh ngày 24.12.1989)...
“Cuộc sống vốn đã là cơ cực – vậy thì cứ đi qua nó như là những thứ tự nhiên nhất thôi!” ... Thế nhưng mỗi lần nhìn Hiếu Hậu đứng trên bục nhận giải, nhìn vẻ mừng vui hớn hở của 2 ku kậu sau mỗi chiến thắng “hút chết” (chỉ ăn Tie Break hoặc lội ngược dòng), hay lúc cười sằng sặc nhìn Hiếu (vẫn quen mắt cuần đùi áo phông giày thể thao) đóng bộ trong comple sơ mi caravat chững chạc đánh tay lái xe một cách thuần thục - tôi lại nhớ một ngày tháng 8.2006. Sân Quan Hoa. Nóng. Và rất Nắng. Một đứa Tôi mới tập tễnh làm quen với bộ môn thể thao yêu thích đã rất hào hứng chạy lên xem các cao thủ thi đấu giải Hà Nội mở rộng bằng ánh mắt thích thú lẫn ngưỡng mộ – và rồi tưng hửng khi chứng kiến một cảnh tượng rất phi thể thao: trên khán đài sân 5 Quan Hoa, một người phụ nữ trung tuổi đứng ôm túi xách chửi bới xối xả một thằng bé với những ngôn từ tục tĩu lẫn miệt thị, rồi dường như chưa hả cơn giận, bà nhảy xổ đến tát tai thằng bé. Còn thằng nhóc – dáng người gầy gò, mắt dâng ầng ậc nước, mặt đỏ dừ – chỉ cắn răng cúi xuống và im lặng. Mọi cuộc cãi nhau hay rủa xả đều có lý do của nó! Và tôi – cũng như nhiều người có mặt – không biết ai đúng ai sai, nhưng bất kể đúng sai ra sao, thái độ nhẫn nhịn chịu đựng của thằng bé và hành động choi choi ngạo ngược của người phụ nữ như hai thái cực trái ngược hẳn nhau. Cho đến khi một người biết chuyện mở lời: “Thằng này ngày trước nhặt bóng cho sân của nhà kia, nó không làm cho nhà đấy từ lâu rồi, nhưng giờ tennis nó hay, đi đánh giải bốc thăm chẳng may lại gặp đúng con trai của nhà đấy, nên mẹ nó nhảy đùng đùng lên như thế”... Nhiều tiếng “ồ” phẫn nộ nổi lên... Đến khi trận đấu diễn ra, thằng bé vừa ăn tát vẫn cúi đầu, lặng lẽ xuống sân thi đấu, nó cặm cụi đánh. Và thắng! Không ai bảo ai, khán giả đồng loạt quay sang cổ vũ cho nó với những tiếng xuýt xoa không ngớt “Thằng này giỏi thật, bị đánh chửi thế mà nó đánh vẫn hay quá. Cố lên!”. Và trong cái buổi trưa nắng ấy, Tôi – cũng như nhiều khán giả có mặt trên sân Quan Hoa – đã được xem một trận đấu đẹp mắt, khi mà một “thằng bé nhặt bóng” (chỉ được học mót) đối đầu với thiếu gia của nhà chủ cũ (được đầu tư tỉ mỉ) – một cách đàng hoàng, nỗ lực, với thái độ bình tĩnh kiên trì. Và chiến thắng. Đó là lần đầu tiên tôi gặp Hiếu Trâu Đất. * * * Đối thoại: Nhà mấy anh chị em hả Hiếu? Năm. 4 gái 1 trai chị ạ. Em là út. Cái gì? Cả nhà có mỗi một thằng con trai sao mày không ở quê đánh đùng một cái nhảy lên HN làm cái gì? Không có tiền thì lên HN, cái bà này hỏi thế mà cũng hỏi. ... Đông con. Kinh tế thiếu thốn. Trẻ bỏ học giữa chừng lao ra đường kiếm sống. Cái bi kịch tràn lan khắp các nẻo đường nông thôn VN ấy với “người phố” là cả một thảm họa, nhưng lại được những thanh niên như Hiếu nói ra một cách nhẹ tênh. Tuồng như khăn khó là một điều đương nhiên chẳng có gì nặng nề, và việc phải vượt qua nó trở thành “một phần tất yếu của cuộc sống”. Ấn tượng ban đầu khi gặp Hiếu năm 17 tuổi tại sân Quan Hoa tốt là vậy, nhưng có một thời gian khá dài sau đó, tôi và khá nhiều người khác chẳng hề khoái “thằng ôn con” (như cách chửi của nhiều người suýt ăn bóng vào mặt) vì cách đánh bặm trợn, liều lĩnh, sát phạt và sẵn sàng bắn thẳng vào người đứng lưới của đối phương để dành điểm – là Hiếu! Sau này, khi đã “biết xem bóng” hơn một chút, và “biết người” hơn một chút – tôi mới hiểu rằng lối đánh “mất dạy” đó phần nhiều là kết quả của nỗ lực tuyệt vọng phải dành chiến thắng bằng mọi giá, bởi “chiến thắng” của một “Triển Chiêu” – là tương lai, là kinh tế, và là sự đổi đời! Khi mà trình độ chưa đủ để khéo léo mà vẫn có điểm, nhẹ nhàng mà vẫn hiệu quả – thì Hiếu đành tận dụng mọi thứ mình có để nỗ lực – và vũ khí của thằng nhóc “còn xanh và non lắm” lúc bấy giờ chỉ là quả bắn căng nặng ùm ùm chả có tý tư duy nào – cũng là nguồn cơn cái tên Hiếu Trâu đất từ đấy mà ra. Khi đã khéo léo hơn, cao hơn, nặng hơn, khỏe hơn – Hiếu không còn “Triển Chiêu” với lối đánh “thiếu đầu” nữa, thay vào đó là tư duy, sự chăm chỉ và cả kiên nhẫn lẫn lì lợm được đưa vào từng cú đánh, củng cố thêm “thương hiệu” Hiếu theo từng tháng ngày lăn lộn khắp nơi tìm đường sống. Thầy cũ Không được đầu tư? Đương nhiên! Tự tập? Đúng! Nhưng nói Hiếu Trâu đất không được bất cứ thầy nào chỉ dạy là không phải! Trái lại, những người đã giúp Hiếu có được những khái niệm cơ bản về kỹ thuật tennis là những người có tiếng tăm trên giang hồ! Người đầu tiên là Lâm Thiện Tùng (em trai của tuyển thủ Lâm Thiện Thanh người Bạc Liêu – “tác giả” của vụ Hòa Xuân đập vợt và giải nghệ không tiếp tục thi đấu chuyên nghiệp), ngày đó Lâm Thiện Tùng dạy bóng tại sân mà Hiếu Trâu đất mới 13 tuổi chân ướt chân ráo từ Thái Nguyên tìm xuống HN nhặt bóng, Lâm Thiện Tùng quý thằng nhóc chăm chỉ ngoan ngoãn, lại chịu khó giúp ông... giữ đồ, giặt quần áo – nên cứ giờ rảnh thì tiện tay chỉ dạy. Không được thường xuyên và đều đặn, nhưng cũng đủ để Hiếu hiểu và nhớ. Hoàng lô, Hoàng gà tre và Bôn Đà Nẵng là những người sau Lâm Thiện Tùng giúp Hiếu vỡ vạc thêm. Vợ xinh ơi là xinh! Nếu nói mỗi người sinh ra đã có một ngôi sao chiếu mệnh – thì dường như sao chiếu mệnh của Hiếu đúng là một ngôi sao mang hình... con trâu đất! Việc gì người khác làm nhàn nhã nhẹ tênh – thì Hiếu xoay sở lúc nào cũng trong tình trạng tất tả nhọc nhằn. 19 tuổi lấy vợ, ai bảo “vợ chồng bằng tuổi nằm duỗi mà ăn” – chứ Hiếu lấy được Thêu cũng ba chìm bảy nổi, cô dâu theo đạo, nên chú rể từ bé đã sớm xa bút sách vẫn phải cố mà học lấy lề luật mới có thể thành đôi, mãi đến trước khi rước dâu một buổi, chứng chỉ cho phép đến với nhau mới được cấp. Và khoảng cách 350km đi đi về về của buổi rước dâu cũng đủ để cho cả cô dâu lẫn chú rể mệt te tua đến mức “chẳng muốn làm gì sau đó” ... Viết đến đây - tôi chẳng biết phải kết câu chuyện này như thế nào nữa! cuộc đời còn dài thế này, chưa thể đặt được dấu chấm nghỉ nào cho cả cuộc sống lẫn cái (bây giờ tạm gọi là) sự nghiệp... Hẵng cứ để Cuộc Sống Đang Tốt Lên như thế đi! Vì xét cho cùng, ai chẳng thích đọc những câu chuyện có happy Ending! Mà viết kiểu này, thể nào cũng có người cho rằng người viết vừa Sến, vừa vị tình thân quá thể. Cuộc sống vất vả, uh thì ai chẳng vất vả! Bỏ học, nhặt bóng, nhịn đói hay di chuyển hàng trăm km khắp nơi – uh cả đất nước này có đến cả nghìn chú bé nhặt bóng như vậy. Nhưng nhặt bóng mà tennis được như Hiếu trâu đất, cặm cụi “cày bừa” chăm chỉ mà mua được nhà HN như Hiếu trâu đất, vợ xinh và ngoan như Thêu của Hiếu Trâu đất, hèm hèm... Nếu mỗi vùng đất đều có nhiều Hiếu Trâu đất, cả tennis lẫn cuộc sống chắc chắn đều sẽ sinh động, lạc quan và tươi vui hơn! Nhận diện cú quả: bóng bạt. Trái hay hơn phải. Giao bóng tốt
Đọc vài lần bài này của chệ rồi mà vẫn cứ muốn đọc,cảm phục thằng cu này .Nhớ hồi 2007 oánh đơn vẫn ngang ngửa với nó thế mà sau vài năm ko gặp nó đã trở thành cao thủ số má của phủi,còn mình quay lại như tennis Vp .Tuổi trẻ ,tài cao,chúc thằng em luôn giữ phong độ trên sân cũng như trong cuộc sống nhé !
Em đang trong giai đoạn khủng hoảng nhiều thứ,chắc phải hết năm nay may ra mới chơi lại đc,hehe nghỉ 1 năm ko cầm vợt rồi ko biết giờ chấm lại trình có đc 3+ ko chị nhỉ ?
@trungblue chưa có trình nick thì chấm mới, có rồi thì mới làm phục hồi, lâu không ngó xem chú đánh thế nào hôm nào giao lưu đê